NÊN XÂY DỰNG BỆNH VIỆN CHỐNG DỊCH (CHƯA CÓ THUỐC ĐẶC TRỊ) DO CÁC BÁC SĨ ĐIỀU TRỊ TỪ XA
Cầu mong sao cho đợt dịch Vũ Hán (virus nCoV) này sớm được khống chế và chấm dứt như đợt dịch SARS. Hàng ngàn cán bộ, nhân viên của các bệnh viện này làm việc đầy lo âu, ức chế và căng thẳng, nguy hiểm cho chính tính mạng của họ.
Thế giới vi sinh vật luôn tồn tại quanh ta và trong con người chúng ta. Rất may, phần lớn và hầu hết là những vi sinh vật có ích, ngoan hiền. Chỉ rất ít là những vi sinh vật có hại, nguy hiểm mà khoa học hiện nay đã phân lập, xác định được và chế được thuốc điều trị.
Buồn là ngày nay nhiều hóa chất độc hại do con người sản xuất ra phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề (đất, nước, không khí). Thế giới vi khuẩn, virus lành tính (không độc hại) buộc phải thường xuyên “tiếp xúc, phơi nhiễm” với những tác nhân hóa học nhân tạo này có thể dẫn đến đột biến gen, trở thành vi khuẩn, virus biến tính độc ác, có sức công phá mạnh hơn, hoặc có khả năng lây từ người sang người. Khi đó môi trường ô nhiễm (do con người gây ra cho nó) trở nên có hại cho con người, đã vô thức “tấn công” lại con người.
Ngàn năm trước kia, môi trường luôn trong lành, thuần khiết hữu cơ, các hệ sinh thái luôn là cân bằng, do vậy Thế giới vi khuẩn, vi sinh không có cơ hội “tiếp xúc, phơi nhiễm” với các độc tố hóa học nên ít có khả năng biến tính, thay đổi gen trở thành những vi khuẩn, virus độc hại. Con người hiện đang sống không thân thiện với thiên nhiên, do vậy thiên nhiên cũng không thể cư xử lịch sự với con người. Chúng ta hiện đang phải trả giá cho kiểu phát triển hủy hoại môi trường sinh thái hiện nay. Do vậy, trong tương lai, tần suất xuất hiện những virus quái đản tấn công con người sẽ ngày một nhiều hơn.
Khi có một đại dịch xảy ra (một lượng lớn bệnh nhân xuất hiện trong thời gian rất ngắn), cung bệnh nhân vượt quá lớn khả năng xử lý, do vậy rất khó một bệnh viện, cơ sở y tế nào có thể xử lý thành công tình huống vô cùng quá tải này. Ví dụ một bệnh viện mà số lượng cán bộ, nhân viên tối đa chỉ có thể xử lý được 1.000 bệnh nhân (lây từ người sang người) trong 1 ngày, sẽ trở nên thất bại khi nó phải tiếp nhận 5.000 bệnh nhân. Ngoài ra, chúng ta cần phải nghĩ đến tính mạng của các bác sĩ, y tá làm việc tại các bệnh viện này.
Tôi nghĩ, tình huống này có thể khắc phục, giảm thiểu khi chúng ta nghiên cứu phát triển các loại bệnh viện ở đó các bệnh nhân sẽ tự điều trị cho mình với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), robot, camera giám sát, các máy móc thiết bị do các bác sĩ điều khiển từ xa. Sẽ là một bệnh viện mà bệnh nhân sẽ tự điều trị, ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt phục vụ bản thân theo hướng dẫn (theo lệnh) của robot hay các bác sĩ từ xa. Bệnh nhân hiểu biết nhiều hơn sẽ hỗ trợ bệnh nhân kém tự tin hơn. Bệnh nhân sắp ra viện sẽ được ở khu an toàn, cách ly hơn v.v.. Phần lớn những công việc gây quá tải là đơn giản, bệnh nhân tự làm được dưới sự hướng dẫn từ xa. Ngoại trừ những thao tác phức tạp khó quá sẽ có bác sĩ thực hiện tại chỗ.
Tóm lại đó sẽ là một bệnh viện chữa bệnh nguy hiểm lây từ người sang người, mà chỉ có bệnh nhân, không hề có bác sĩ trong đó. Năng suất làm việc của một bác sĩ điều trị từ xa sẽ là rất cao, gấp nhiều lần so với việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Trên hết tất cả là an toàn cho các bác sĩ và giảm thiểu lây nhiễm ra cộng đồng. Hơn thế nữa, khoa học công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở đỉnh cao của sự phát triển. Vậy tại sao lại không nhỉ?
Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ xuất hiện những chủng, loài virus mới, độc hại có khả năng lây từ người sang người nhiều hơn. Hệ thống các phòng khám đầu vào như hiện nay do 100% con người, các bác sĩ trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân thực hiện, sẽ phải chia thành 2 loại: a) Loại có khả năng lây nhiễm và b) Loại không có khả năng lây nhiễm. Trước mắt cần đầu tư xây dựng loại phòng khám cho loại a) do trí tuệ nhân tạo phụ trách, điều khiển từ xa sẽ là các bác sĩ. Nếu điều này sớm được áp dụng, sẽ không xảy ra những trường hợp đau lòng là nhiều bác sĩ đã bị lây nhiễm, hy sinh, trả giá khi thăm khám cho bệnh nhân và lớn nhất chính là đại dịch nCoV hiện nay.
Tại sao lại không nhỉ? Nếu bạn thấy khả thi và có ích mong hãy chia sẻ bài viết này rộng rãi hơn để ai đó hiện thực hóa ý tưởng này.
Trân trọng cám ơn.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội 03 Tết 2020