ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >BẢN DỰ THẢO XIN Ý KIẾN HOÀN THIỆN
Ngày đăng: 09-12-2018 - 22:52:44

BẢN DỰ THẢO XIN Ý KIẾN HOÀN THIỆN

Hà Nội, ngày  tháng   năm

Kính gửi:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

 

(Về nghịch lý khoa học thuế bảo vệ môi trường đối với than, xăng và dầu

là RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC)

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Năm 2010 Bộ Tài chính đã tham mưu không chuẩn cho Quốc hội về Luật thuế Bảo vệ Môi trường số: 57/2010/QH12 như cụ thể dưới đây:

Điều 3. Đối tượng chịu thuế: 1. Xăng, dầu, mỡ nhờn. 2. Than. 3….

Điều 8. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế dưới đây:

Xăng 1.000 – 4.000 đồng/L; Dầu diesel 500 – 2.000 đồng/L

Than 10.000 – 30.000 đồng/tấn; ….

  1. Căn cứ khung thuế này, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thuế suất cụ thể. Các năm trước đây, đối với xăng là 3.000đồng/L; đối với dầu diesel 1.500đồng/L và đối với than (bình quân các loại) 10.000đồng/tấn. Trong năm 2018 Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ tăng thuế suất xăng lên 4.000đồng/L, đối với dầu diesel (cho xe tải, xe buýt…) là 2.000 đồng/L, đối với than là 15.000 đồng/tấn (15đồng/kg). Như vậy, thuế suất của xăng cao gấp 360 lần so với than. Thuế suất của dầu DO cao gấp 159 lần so với than, như cụ thể dưới đây:

  1. Biểu thuế này đồng nghĩa với coi xăng và dầu gây ô nhiễm môi trường vô cùng nặng nề, gấp nhiều lần so với than. Đáng tiếc là về bản chất khoa học và thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

I. NGHỊCH LÝ KHOA HỌC CỦA THUẾ BVMT VIỆT NAM

  1. Mục đích tối thượng của thuế BVMT là để bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa gây ra. Vì vậy, đương nhiên “chất gây ô nhiễm nhiều hơn phải chịu thuế suất BVMT cao hơn”, đó là phương châm phổ quát của toàn Thế giới.
  2. VỀ THAN: Than được khai thác từ vỏ Trái đất. Than là một hợp chất hữu cơ. Trong than chứa chủ yếu các nguyên tố C, H, O và N, P và S. Ngoài ra, bình quân 1 triệu tấn than (khô, độ ẩm gần bằng không) có chứa 104kg thủy ngân, 7.510 kg Arsen, 1.100 kg Beryllium, 710kg Cadmium, 8.400kg Crom, 8.900kg Nickel, 2.460kg Selenium v.v.. Than này được nghiền mịn như cám và phun vào buồng đốt nồi hơi của nhà máy nhiệt điện than và đốt cháy với ô xy (O2).
  3. Theo định luật bảo toàn khối (một định luật cơ bản của tự nhiên), tổng khối lượng của các chất tham gia vào quá trình đốt cháy than sẽ bằng tổng khối lượng của tất cả các chất/sản phẩm hình thành sau đó. Bình quân khi đốt 1 triệu tấn than sẽ phản ứng với khoảng 1,6 triệu tấn O2. Sản phẩm hình thành gồm khoảng 2,0 triệu tấn khí hiệu ứng nhà kính (CO2, và CH4), khoảng 0,5 triệu tấn tro than có chứa tất cả các kim loại độc hại nói trên (67% là tro đáy và 33% là tro bay) và 0,1 triệu tấn khí SOx, NOx.
  4. Đối với các vật chất (bụi và khí) nhả từ ống khói lên trời: Các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 µm (PM10) có thể đi vào tận phế nang, gây viêm mũi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi. Hạt nhỏ hơn 2,5 µm (PM2,5) có chứa cả các kim loại nặng bay hơi, có thể đi vào tận màng phổi và đọng lại trong lá phổi gây viêm phổi, sơ hóa phổi, nếu nồng độ cao và kéo dài có thể dẫn đến ung thư phổi. Các khí NOx và SOx là những khí độc hại, có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da và các cơ quan hô hấp hoặc cơ quan tiêu hóa.
  5. Ở trong khí quyển các khí NOx và SOx phản ứng với hơi nước, tạo thành các axit trong các đám mây, gây mưa axit hủy hoại các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, hủy hoại hoa mầu và các công trình kiến trúc, tượng đài ngoài trời.
  6. Đối với các vật chất (xỉ và tro còn lại): Nước mưa, nước tưới chống bụi cho các bãi đổ tro và xỉ than sẽ hòa tan rất nhiều các độc tố hóa học khác nhau trong xỉ và bụi than, gạch lát đường làm bằng tro, xỉ than. Tất cả các vật liệu này sau một thời gian ngậm nước sẽ hòa tan các độc tố vào nước, chảy, thấm, rò rỉ và lan tỏa khắp nơi, đi vào cống rãnh, cuối cùng đổ ra sông, ngòi, hồ ao hủy diệt môi trường sinh thái.
  7. Tất tật các độc tố hóa học nói trên trong môi trường không khí, trong đất và nước cuối cùng sẽ đi vào cơ thể con người thông qua đường da, hít thở và ăn uống. Qua con đường ăn uống thông qua mạng lưới và chuỗi thức ăn (food chain and food web), các độc tố này được tích tụ và khuyếch đại sinh học lên hàng triệu và chục triệu lần (biological accumulation and magnification). Đây là một qui luật của tự nhiên.
  8. Theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, phê duyệt “Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030” còn gọi là Qui hoạch Điện lực VII điều chỉnh, nhiệt điện than được đưa lên thành quân vương, trụ cột của nền kinh tế. Lần lượt vào năm 2020, 2025 và 2030 các nhà máy nhiệt điện than sẽ  thiêu đốt 63 triệu tấn, 95 triệu tấn và 129 triệu tấn than/năm. Trong 5 năm qua (2013 – 2017), toàn ngành than của Việt Nam phấn đấu tối đa chỉ đạt sản lượng than thương phẩm 39,4 – 40,4 triệu tấn/năm. Khoảng 70% được huy động cho nhiệt điện than, 30% còn lại là cho các ngành xi măng, luyện kim, phân bón hóa chất và các hộ tiêu dùng khác. Như vậy, ngành điện của Việt Nam sẽ phụ thuộc nặng nề vào nguồn than nhập khẩu.
  9. Bình quân đốt 1 triệu tấn than phát thải 2,0 triệu tấn khí CO2; tương ứng với lượng phát thải năm 2020 là 128 triệu tấn CO2/năm, năm 2025 193 triệu tấn CO2/năm, năm 2030 là 262 triệu tấn CO2, góp phần lớn nhất của cả nước làm gia tăng biến đổi khí hậu, trái ngược với tinh thần của thỏa thuận Paris 2015 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.
  10. Vào năm 2030 các nhà máy nhiệt điện sẽ sử dụng khoảng 46 tỷ m3 nước/năm (nước ngọt hoặc nước biển tùy vị trí nhà máy) để làm mát cho hệ thống ngưng, tương đương với 1/10 tổng lượng nước ngọt quí hiếm hàng năm sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Nước này sau đó đạt gần 40oC và xả thẳng vào môi trường thủy sinh (hạ lưu, cuối nguồn so với điểm hút) sẽ “hâm nóng” mọi động - thực vật, tạo nên vùng không thể sống đối với thực vật và tôm cá.
  11. Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã tổ chức hội thảo quốc tế "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết". Chuyên gia Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”. 10 năm là giai đoạn rất ngắn của cuộc đời sẽ có 250.000 nghìn người chết sớm vì nhiệt điện than.
  12. Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ (Kinh tế Sài Gòn, thứ 6, ngày 17/2/2017). Theo Qui hoạch điện lực quốc gia VII điều chỉnh (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg), sản lượng điện than vào các năm 2020, 2025 và 2030 lần lượt 131 tỷ kWh, 220 tỷ kWh, 304 tỷ kWh sẽ tạo ra tổng chi phí y tế lần lượt là 22,3 tỷ USD, 37,4 tỷ USD và 51,7 tỷ USD. Như vậy, một nguồn lực rất lớn của đất nước sẽ được thu hút về cho ngành điện than và y tế.
  13. VỀ DẦU DIESEL: Năm 2018, ước tính cả nước tiêu dùng 8,5 triệu tấn. Bình quân đốt 1 lít dầu diesel sẽ thải vào môi trường 2,7 kg CO2 , hơi nước (H2O) và 5,6g khí độc SOx (vì dầu diesel của ta là dầu giá rẻ, chứa hàm lượng lưu huỳnh cao 2,5g/L). Vì lượng tiêu thụ dầu diesel rất nhỏ so với than và nếu chúng ta nhập khẩu loại dầu “đắt” hơn chút ít, chỉ chứa lưu huỳnh 0,5g/L thì vấn đề môi trường không đáng quan ngại. Có thể nói là rất sạch so với than.
  14. VỀ XĂNG: Năm 2018, ước tính cả nước tiêu dùng 6,5 triệu tấn. Bình quân đốt 1 lít xăng thải vào môi trường 2,3 kg CO2, hơi nước (H2O). Hầu như không gây ô nhiễm môi trường, siêu sạch so với than.
  15. Chính vì những thực tế khoa học trên, nên hợp lý nhất phải giảm thuế xăng, dầu và tăng thuế than như bảng dưới đây:

Với đổi mới thuế suất BVMT cho phù hợp nguyên lý phổ quát của Thế giới, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu lên gấp 2 -3 lần (chi tiết tính toán xem bảng ở cuối bài).

 

II. NGHỊCH LÝ KHOA HỌC CỦA THUẾ BVMT ĐÃ VÀ ĐANG LÀM HẠI ĐẤT NƯỚC

  1. VÌ THAN CÓ THUẾ SUẤT BVMT GẦN NHƯ BẰNG 0 VÀ PHÍ PHÁT THẢI KHÍ CO2 BẰNG 0 nên nhiệt điện than trở nên rẻ nhất (7 US cents/kWh) so với điện gió (9,5 US cents/kWh), điện mặt trời (10,5 US cents/kWh), điện rác và điện sinh khối. Như vậy, về giá, nhiệt điện than một loại điện siêu bẩn đã đánh bại các loại điện siêu sạch. Chính vì yếu tố giá rẻ nhất này nên nhiệt điện than được Bộ Công thương và Bộ Tài chính tôn vinh lên thành quân vương, trụ cột kinh tế của đất nước. Tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, phê duyệt “Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030”, tỷ trọng sản lượng nhiệt điện than vào năm 2030 được xác định là 53,2%, trong khi điện mặt trời chỉ có 3,3%, điện gió 2,1%, điện sinh khối 2,1%, điện rác 0%. Căn cứ thực tế bùng nổ nhiệt điện than rất mạnh mẽ từ năm 2015 - 2018, có thể dự đoán vào năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than sẽ chiếm 60%. Vào năm 2015 than nhập khẩu cho sản xuất điện chỉ dưới 1 triệu tấn. Năm 2016 tăng vọt lên gần 10 triệu tấn (gấp 10 lần!!). Theo qui hoạch từ năm 2016 đến năm 2030 sẽ đầu tư 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD). Như vậy, một nguồn lực khổng lồ tài chính sẽ được tập trung cho phát triển nhiệt điện than.
  2. An ninh năng lượng của đất nước đã bị rơi vào bẫy nhiệt điện than, đã trở thành “CON TIN” của nhiệt điện than, đang phụ thuộc nặng nề vào than nhập khẩu. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, sáng ngày 3/12/2018, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra cảnh báo "việc không đảm bảo cung cấp than dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện than…khả năng thiếu điện trong mùa khô năm tới là rất cao và khả năng thiếu điện kéo dài tới hết cả năm 2019”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bức xúc, coi cảnh báo này là lời đe dọa Chính phủ và nhân dân.
  3. Nghịch lý khoa học về thuế suất BVMT đối với than đã giúp cho nhiệt điện than trở nên vô cùng rẻ, nên Việt Nam đã trở thành nước duy nhất trên Thế giới chọn nhiệt điện than, mô hình điện thập kỷ 60 – 70 của Thế giới, trở thành tương lai lâu dài cho mình. Một nền điện lực độc tài, tập trung vào 3 tập đoàn kinh tế Nhà nước là EVN, TKV và PVN. Việt Nam cũng đã chọn biệt lập, đã 10 năm đứng ngoài Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency, IRENA), với khoảng 180 quốc gia là thành viên chính thức. Mô hình điện lực tương lai của Việt Nam là đơn độc, cá biệt so với mô hình điện lực chung của Thế giới là nhiệt điện than sẽ phải giảm về 24,4% vào năm 2030 và 11% vào năm 2050. Điện NLTT (điện xanh, điện sạch) sẽ trở thành trụ cột, xương sống điện lực Thế giới, là động lực phát triển kinh tế của toàn Thế giới, sẽ tạo công ăn việc làm cho triệu triệu người trên Thế giới.
  4. Bản chất tự nhiên của năng lượng gió, mặt trời, sinh khối và rác thải sinh hoạt là phân tán, phi tập trung nên gắn với nó là sự hình thành nền điện lực dân chủ ở trên Thế giới. Đó là nền điện lực của dân, do dân và vì dân; dân tự làm và dân thụ hưởng.
  5. Đến năm 2050 (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018): Ở qui mô trung bình toàn Thế giới, tổng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 48%, thủy điện 16%, đưa điện NLTT lên 64%, nhiệt điện than chỉ có 11%. Toàn Châu Âu, điện NLTT chiếm đến 87%. Nước Đức tổng điện mặt trời và điện gió chiếm 74%, tổng điện NLTT chiếm 84%. Nước Anh điện NLTT lên 83%. Nước Mỹ, điện than và điện hạt nhân sẽ biến mất, mặc dù trữ lượng “vàng đen”, sản xuất và xuất khẩu “vàng đen” ở nước Mỹ là lớn nhất Thế giới. Điện NLTT sẽ chiếm 55%, 45% còn lại là điện khí ga. Nước Úc, điện gió và điện mặt trời đóng vai trò trụ cột, chủ lực; nhiệt điện than sẽ biến mất khỏi Úc, mặc dù Úc là vương quốc của nhiều mỏ than và xuất khẩu than (chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc). Trung Quốc, tổng điện gió và mặt trời sẽ chiếm 46% đưa tổng điện NLTT lên 62%. Ấn Độ sẽ có điện mặt trời và điện gió rẻ nhất Thế giới và tổng điện NLTT sẽ là 75%. Nhật Bản, điện mặt trời là 43%, điện NLTT sẽ chiếm 75%.
  6. Vì nhiệt điện than ở Việt Nam là rẻ nhất Thế giới, cho dù có tính theo lũy tiến sử dụng và vào giờ cao điểm trả giá cao nên những ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép, xi măng, hóa chất… đang nở rộ ở Việt Nam. Vì điện giá rẻ nên hầu hết người sử dụng chẳng có ý thức sử dụng tiết kiệm. Nên Việt Nam cũng là nước có bình quân điện năng sử dụng lãng phí, không hiệu quả, thất thoát cao nhất Thế giới (25% – 35%). Để làm ra 1 USD GDP bình quân Thế giới cần 0,6 kWh điện, nhưng Việt Nam cần 1,6 kWh điện.
  7. Rất nhiều nước trên Thế giới đã áp phí phát thải cacbon, từ 10 – 20 USD trên 1 tấn khí CO2 phát thải (chung cho than, xăng, dầu). Vì cứ thiêu đốt 1 tấn than sẽ phát thải khoảng 2 tấn CO2, do vậy, mức phí trên sẽ là 20 – 40 USD/1 tấn than.  Việt Nam hiện chưa áp dụng loại phí  này.

Nghịch lý khoa học của thuế suất BVMT coi như MIỄN THUẾ cho than và miễn phí phát thải CO2 là nền tảng tạo nên giá nhiệt điện than rẻ nhất Thế giới. Hệ quả như bảng dưới đây là những số liệu rất thực tế, nói lên tất cả:

  1. Không những thế Việt Nam đã rất nhiều năm không tôn trọng qui luật “Giá cả phải phản ánh sự thật kinh tế”, phủ định cả qui luật “Giá cả do quan hệ cung cầu thị trường quyết định”. Ví dụ: Đến cuối tháng 10/2008 giá bán than cho 4 ngành tiêu dùng than lớn là Điện, Xi măng, Giấy, Phân bón chỉ bằng khoảng 38% đến 79% giá thành. Giá bán cho các đơn vị tiêu dùng lẻ bằng 30% đến 60% giá thành. Tháng 10/2012 Bộ Tài chính lại có công văn số 14440/BTC-QLG điều chỉnh GIẢM giá bán than trong nước của Tập đoàn TKV, trung bình bằng 90% - 92% giá thành. Tập đoàn TKV được lấy lãi từ than xuất khẩu bù đắp cho những khoản lỗ trên. Từ năm 2006 đến quý I/2013 tổng số tiền bù lỗ cho than để sản xuất điện là 20.145 tỷ đồng (khoảng 1,0 tỷ USD tính theo tỷ giá hàng năm). Đó là cả một khoa học nghệ thuật làm giá, cân đối tài sản, tài chính của đất nước; cắt lãi chỗ này bù đắp vào lỗ chỗ kia, phụ thuộc vào quan điểm của quan chức làm giá. Điều này đã tạo nên một nền kinh tế méo mó nhiều năm.
  2. Việt Nam cũng đã không tôn trọng qui luật “Giá cả phải phản ánh sự thật sinh thái”: Trên Thế giới, nhất là ở các nước văn minh phát triển, qui luật này rất được tôn trọng. Nhờ vậy nên CNTB ở các nước phát triển ngày càng thăng hoa, thịnh vượng. Nhìn từ góc độ xã hội sinh thái có thể nói các nước phát triển hiện nay không còn là CNTB hoang dã, kiểu cũ như cách đây 100 năm, mà đã tiến bộ, đổi mới thành CNTB sinh thái, đó là CNTB thân thiện môi trường và tiêu dùng bền vững (sustainable consumption). Ở những đất nước văn minh, tiến bộ họ đã đặt toàn bộ nền kinh tế trên một mặt bằng giá mới đó là MẶT BẰNG GIÁ SINH THÁI. Đó là mọi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải tính đúng, tính đủ những chi phí cho việc xử lý triệt để các chất thải (rắn, lỏng, khí), tuyệt đối không làm hại môi trường. Vậy tại sao giá cả của họ vẫn cạnh tranh tốt với những nước không chấp nhận để giá cả phản ánh sự thật sinh thái, ví dụ Việt Nam? Đơn giản là họ đã cắt giảm được chi phí hành chính, bôi trơn, tham nhũng v.v. thông minh hơn và hiệu quả hơn trong đầu tư.
  3. Thuế suất BVMT của than gần như bằng 0 và phí phát thải cacbon bằng 0  đồng nghĩa với chúng ta sử dụng  những dịch vụ của các hệ sinh thái (services of ecosystem) nhưng không chịu thanh toán cho chúng. Các hệ sinh thái không ngừng nghỉ, từng giây, từng phút, 24/24 giờ, quanh năm ngày tháng âm thầm làm việc xử lý ô nhiễm môi trường do con người gây ra nhưng không nhận được thù lao nên chúng đã chết ở nhiều nơi. Trong một xã hội sinh thái, khi chúng ta không chi trả cho các dịch vụ của các hệ sinh thái có nghĩa là chúng ta không có đạo đức sinh thái. Do chúng ta đã “trấn lột” tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái nên ngày nay chúng ta mới có biệt thự, xe sang, các tòa nhà cao tầng nguy nga, bề thế. Đáng tiếc là rất nhiều người vẫn lầm tưởng tất cả những của cải đó là do tài năng, lao động sáng tạo, năng suất lao động làm ra.

III. VỀ GIÁ CẢ, LẠM PHÁT, MẤT ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ:

  1. Phần lớn các nhà khoa học kinh tế Việt Nam luôn sợ tăng giá điện. Họ luôn khuyến cáo các lãnh đạo của đất nước phải giữ bằng được giá điện ổn định. Theo họ, vì điện năng là đầu vào của mọi ngành sản xuất và đời sống xã hội nên khi giá điện tăng sẽ làm tăng giá của tất cả mọi sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa khác, SẼ GÂY LOẠN GIÁ, LẠM PHÁT, MẤT ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ. Những tham mưu cảnh báo như vậy đã đủ làm cho các lãnh đạo của đất nước e ngại, và sợ dẫn đến quyết định không được tăng giá điện. Một lập luận rất ngắn gọn, gồm 2 ý, có vẻ rất logic, gắn bó khăng khít với nhau. Lập luận này đã thống trị đất nước ta gần 50 năm, xuất sứ từ thời nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp  toàn diện, phủ định cơ chế thị trường.
  2. Ý thứ nhất là NGUYÊN NHÂN. Chi phí điện hiển nhiên là cấu thành của chi phí sản xuất (giá thành) của hầu hết sản phẩm, dịch vụ trong đời sống xã hội. Đương nhiên khi giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Điều này là đúng, là hiển nhiên. Ý thứ hai là HỆ QUẢ “gây loạn giá, lạm phát, mất ổn định kinh tế vĩ mô”. Vì nghe thoáng qua đã thấy logic, mọi người chấp nhận ngay, nên không có một ý kiến phản biện nào đòi hỏi phải phân tích kỹ hơn, chi tiết hơn.
  3. Tuy nhiên, cho đến nay không thấy một nhà khoa học kinh tế nào, đặc biệt là nhà khoa học giá, có công trình nghiên cứu, bài viết phân tích thấu đáo, thuyết phục về mối quan hệ gắn bó logic giữ hai ý trên, NGUYÊN NHÂN – HỆ QUẢ. Cụ thể ở đây là giá điện tăng – giá các sản phẩm khác tăng – lạm phát. Vì vậy, theo tôi đó là một SUY DIỄN CẢM TÍNH, không có căn cứ khoa học. Bởi vì hầu hết các nhà khoa học kinh tế của chúng ta được đào tạo từ khối các nước XHCN và thế hệ sau này từ trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), không được học về khoa học LẠM PHÁT.
  4. Các nhà khoa học kinh tế của chúng ta được đào tạo chuyên sâu về KHOA HỌC KINH TẾ KẾ HOẠCH, đối lập với khoa học kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế kế hoạch không có khái niệm thị trường tự do, chỉ tồn tại thương mại quốc doanh (mậu dịch quốc doanh). Mọi sản phẩm (từ cái kim, sợi chỉ, 1kg thịt…) số lượng bao nhiêu, ai sản xuất và giá cả bán như thế nào và bán cho ai, đều do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Vật giá quyết định. Vì vậy, trong khoa học kinh tế kế hoạch không có khái niệm lạm phát, vì LẠM PHÁT mẫu thuẫn, đối kháng với KẾ HOẠCH. Lý luận khoa học kinh tế kế hoạch coi Lạm phát là của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên trong thực tế, nền kinh tế kế hoạch đất nước, thời kỳ Ban Vật giá Chính phủ mạnh mẽ nhất, nhiều quyền lực nhất, đã xẩy ra lạm phát kinh hoàng một số lần, đồng tiền mất giá hàng trăm, hàng nghìn lần sau 1 năm, dẫn đến phải đổi tiền. Thực tế này chứng minh khoa học kinh tế kế hoạch là một khoa học duy ý chí, phản ánh ý muốn chủ quan của chủ thể lãnh đạo. Ngược lại, khoa học kinh tế thị trường là một khoa học khách quan, nó tồn tại lâu dài trong tương lai.
  5. Vì vậy, Ý THỨ HAI KHÔNG PHẢI LÀ HỆ QUẢ TẤT YẾU CỦA Ý THỨ NHẤT, NÓ ĐỘC LẬP, KHÔNG CÓ MỐI QUAN HỆ VỚI Ý THỨ NHẤT.
  6. Có thể nói toàn bộ nền kinh tế của đất nước hiện nay không được đặt trên Mặt bằng giá sinh thái, đồng nghĩa với chúng ta trấn lột những giá trị của các hệ sinh thái:
  7. Khởi đầu, chúng ta ra sức đào bới, khai thác tài nguyên gần như miễn phí: Năm 2017, mật độ dân số Việt Nam khoảng 290 người/km2, thuộc hàng cao ở trên Thế giới, gấp đôi Trung Quốc 145 người/km2. Có nghĩa 1km2 diện tích tài nguyên sinh thái của Việt Nam phải nuôi 290 người, trong khi Trung Quốc chỉ nuôi 145 người. Trên đất nước hình chữ S bé nhỏ với 330.000km2, hàng ngày nhiều triệu người Việt Nam và nước ngoài thi nhau đào bới, khai thác nhiều tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên từ môi trường sinh thái (ví dụ khoáng sản như than, quặng kim loại sắt, thiếc, chì, kẽm, titan, các nguyên tố đất hiếm, nước bề mặt và nước ngầm, cây rừng, động vật rừng, thủy hải sản…) với lệ phí khai thác là rất rẻ, có thứ lệ phí rất tượng trưng. Ví dụ, để khai thác được 1 tấn than lộ thiên phải đào bới, xúc đổ đi 10 – 11m3 đất thảm thực vật bề mặt. Lệ phí cho hoạt động đào bới này, hiện chỉ là 200 đồng/1m3 (Theo báo cáo của TKV tại hội thảo quốc tế do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam  tổ chức ngày 29/11/2018). Thảm thực vật rừng nơi nào chẳng may mà có chứa khoáng sản bên dưới thì nơi đó sẽ bị tàn phá như máy bay B52 Mỹ ngày xưa rải bom tọa độ.
  8. Tiếp đến trong quá trình sản xuất chúng ta thi nhau xả thải mọi thứ (rác thải, nước thải, khí thải) gần như miễn phí vào môi trường sinh thái: Chi phí cho xử lý rác thải, nước thải, khí thải thực sự là tốn kém. Hầu hết các doanh nghiệp không muốn làm việc  này. Có nơi, có chỗ đầu tư cho các hệ thống xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) nhưng đến khi vận hành thì lúc có lúc không. Khi nào có đoàn tham quan, thanh tra, kiểm tra thì vận hành để trình diễn. Nhưng khi quan khách rút lui, thanh tra ra về, thì ngắt cầu dao điện, cho máy ngừng chạy. Rác thải, nước thải, khí thải nguyên trạng cứ thế thải vào môi trường, hủy hoại các hệ sinh thái. Trên Thế giới không tồn tại một Bộ gác gôn, BVMT nào lại hạ thấp, nới lỏng các tiêu chuẩn BVMT để ưu ái cho các doanh nghiệp sản xuất xả thải như Việt Nam. Gần 10 năm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một loạt các QCVN đặc thù, ưu tiên cho ngành sản xuất thép, sơ chế cao su thiên nhiên, công nghiệp chế biến thủy sản, giấy và bột giấy, dệt nhuộm, y tế, cửa hàng xăng dầu và nước thải của các bãi chôn lấp chất thải rắn... Ví dụ: QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp nói chung, có tất cả 33 chỉ tiêu. Nhưng QCVN 52: 2013/BTNMT đối với nước thải ngành sản xuất thép rút từ QCVN 40 xuống chỉ còn 12 chỉ tiêu/thông số, loại bỏ đi 21 chỉ tiêu/thông số, ngoài ra còn “nới lỏng” nồng độ một vài thông số;  cụ thể tăng lên 5 lần đối với 2 độc tố rất mạnh là kim loại nặng Cadmi và tổng xianua; tăng gấp 1,5 lần đối với tổng nitơ.

Như vậy, lần thứ hai chúng ta lại tiếp tục hủy diệt môi trường sinh thái.

  1. Tiếp đến, sau sử dụng nhiều triệu sản phẩm, hàng hóa, hàng ngày chúng ta lại đổ nhiều tỷ tấn rác thải, đồ thừa, đồ hỏng, đồ cũ bỏ đi vào môi trường sinh thái. Nhiều đô thị đang khủng khoảng đất để chôn lấp rác. Về nông thôn rác tràn ngập mênh mông ở các bờ mương, bờ sông, dọc đường.

Như vậy, lần thứ ba chúng ta lại tiếp tục hủy diệt môi trường sinh thái.

  1. HỆ QUẢ là cách đây khoảng 20 năm, làng ung thư đầu tiên được các đài, báo nói đến là các làng thuộc xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tỉnh là biểu tượng nền đại công nghiệp thời kỳ kế hoạch hóa tập trung xây dựng XHCN với những điển hình như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, nhà máy Giấy Bãi Bằng. Bộ trưởng TN&MT Mai Ai Trực nói “Tôi đến 10 nhà thì 7 nhà có người chết vì ung thư”. Đúng là từ Đất đến Trời đều độc. Ngày nay, đất nước ta thực sự là một đại công trường của các công nghệ cũ, lạc hậu. Đại công trường này phát triển đến đâu thì ung thư lan rộng ra đến đó. Từ làng ung thư, rồi đến xã ung thư, tiến tới huyện ung thư, lan rộng ra tỉnh và hiện nay cả nước đang gồng mình gánh chịu bệnh ung thư.
  2. Trên Thế giới cho đến nay không tồn tại một học thuyết nào nói rằng “Nếu đặt mọi sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trên Mặt bằng giá sinh thái lại gây lạm phát, mất ổn định kinh tế vĩ mô, rối loạn đất nước”. Có nghĩa là Không tồn tại mối quan hệ biện chứng giữa Mặt bằng giá sinh thái với Lạm phát. Tuy  vậy, chúng ta vẫn lo sợ, nên giá điện rất nhiều năm đã bị kìm nén, không phản ánh sự thật môi trường sinh thái.
  3. Tuy nhiên, mặc cho giá điện luôn thấp, rẻ nhất Thế giới, thế mà lạm phát 2 chữ số đã xẩy ra. Cụ thể hai năm 2007 – 2008 là 12,63% và 19,9%, năm 2010 – 2011 là 11,75% và 20,82%. Đó là thời kỳ lạm phát do thị trường bất động sản được khuyến khích, bùng nổ. Một lượng tiền khổng lồ của các cá nhân, ngân hàng, doanh nghiệp được nhiều triệu người sử dụng để tranh cướp, chen lấn, xô đẩy để mua đất đai, nhà cửa thuần túy trên giấy. Thời kỳ mà một căn hộ trên giấy của dự án ma cũng được mua đi bán lại vài lần. Thực tế này chứng minh rằng nếu để giá điện và giá các sản phẩm, hàng hóa khác lên Mặt bằng giá sinh thái không thể gây ra lạm phát, mất ổn định kinh tế vĩ mô. Các nước Châu Âu luôn đặt  nền kinh tế lên Mặt bằng giá sinh thái lại là nơi không có lạm phát và kinh tế vĩ mô rất ổn định. Nhờ vậy mà CNTB hoang dã ngày xưa ở các nước Châu Âu đã đổi mới, chuyển thành CNTB sinh thái, phồn vinh và thịnh vượng.
  4. Ngoài ra trong nền kinh tế là vô cùng đa dạng sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa. Có nhiều loại mà chi phí điện cấu tạo nên giá thành là rất thấp. Cụ thể ngành chế biến thủy hải sản xuất khẩu, chi phí điện chỉ chiếm 1% của giá thành (Hội thảo chia sẻ các giải pháp năng lượng bền vững ngành chế biến gỗ và thủy hải sản ở Việt Nam, ngày 02/10/2018, do VCCI tổ chức). Có nghĩa là nếu tăng giá điện, để giá điện tuân thủ qui luật Mặt bằng giá sinh thái, không thể gây ra lạm phát. Ngay cả để giá của những sản phẩm khác, ví dụ xi măng, sắt thép, giấy, phân bón hóa chất lên Mặt bằng giá sinh thái cũng không thể gây lạm phát. Chi phí đầy đủ cho môi trường sinh thái BẮT BUỘC phải là một hợp phần không thể thiếu của chi phí sản xuất, của giá thành.
  5. Tuy nhiên, do cả đất nước nhiều năm quen được hưởng thụ giá điện rẻ, lại được báo chí hết sức ủng hộ, nên mỗi lần điều chỉnh tăng giá điện là hết sức khó khăn. Đó là do thói quen, chứ không phải người dân mong muốn tiêu dùng điện bẩn với giá rẻ. Những người giàu lại càng muốn mua điện xanh, điện sạch với giá bao gồm đầy đủ mọi chi phí.
  6. Tóm lại nghịch lý khoa học thuế suất BVMT đã rất đắc lực giúp cho nhiệt điện than trở thành quân vương, trụ cột, bóp chết điện gió và điện mặt trời, hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, làm chết sớm 25.000 người/năm vào năm 2030, gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho đất nước. 30 năm đổi mới, xét theo góc độ GDP/người, ta có tiến so với ta, nhưng tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Cần phải làm cách mạng trong Luật thuế BVMT, chỉ với 3 thuế suất sau: Xăng giảm về 1.000đồng/L, dầu diesel giảm về 1.200đồng/L, than tăng lên 1.500đồng/kg, thu NSNN sẽ tăng lên gấp 2 – 3 lần (như bảng dưới đây), điện xanh, điện sạch sẽ thăng hoa, nở rộ, an ninh năng lượng được đảm bảo, sức khỏe con người và môi trường sinh thái sẽ cải thiện rõ rệt.

 

  1. Khi giảm mạnh mẽ thuế suất BVMT đối với xăng, dầu sẽ được sự ủng hộ của đại bộ phận nhân dân, người  giầu và nghèo đều được hưởng lợi. Như vậy giá bán xăng sẽ giảm được 3.000 đồng/L, giá dầu diesel sẽ giảm 800đ/L. Việc giảm giá xăng, dầu hoàn toàn không gây ra kích cầu tiêu dùng xăng dầu thoải mái, lãng phí. Không một ai thấy xăng rẻ nên sẽ mua tích trữ, hay để đi chơi tận hưởng nắng, mưa, bụi, ùn tắc giao thông ngoài đường. Ngược lại nếu điện rẻ thì sẽ rất dễ dàng khuyến khích sử dụng  thoái mái, lãng phí. Xăng chỉ dùng khi cần thiết, có nhu cầu. Còn các thiết bị điện và điện tử nhiều khi không có nhu cầu vẫn bật cho chạy.
  2. Khi tăng thuế suất BVMT đối với than và áp phí phát thải CO2, sẽ làm tăng giá nhiệt điện than tạo cơ hội cho thủy điện nhỏ, điện gió và điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác trở nên rẻ và cạnh tranh bình đẳng với  nhiệt điện than trên cùng một Mặt bằng giá sinh thái. Điều này sẽ khuyến khích người dân tự bỏ tiền túi của mình ra để làm những loại hình điện NLTT này. Một lượng tiền rất lớn trong dân sẽ được người dân tự động bỏ ra để làm điện xanh, điện sạch, có lợi cho dân, hơn là gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi tiết kiệm. Như vậy, Chính phủ không cần phải đầu tư, không cần phải bảo lãnh cho EVN, TKV hay PVN vay ngân hàng, xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, mà đất nước tự dưng có đủ điện xanh, điện sạch để dùng.
  3. Giá bán lẻ điện cần đảm bảo cho người sản xuất điện có lãi hợp lý và để cho người tiêu dùng điện nâng cao ý thức sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Sử dụng quá mức hợp lý phải chịu giá thực sự cao. Những hộ gia đình đáp ứng tiêu chuẩn nghèo, sẽ được trợ cấp giá điện cho 100kWh hàng tháng. Giá bán điện cũng phải cao vào giờ cao điểm trong ngày và là thấp vào giờ thấp điểm, điện dư thừa.
  4. Ưu điểm  tuyệt vời  nữa của năng lượng xanh, năng lượng sạch là tạo hóa phân bổ chúng ở khắp nơi, phù hợp với năng lực trình độ chuyên môn về điện của những người dân ở nhỏ lẻ, rải rác khắp nơi. Với đồng vốn rất  bé nhỏ (so với làm nhiệt điện than) người dân hoàn toàn có thể tự làm ra được rất nhiều “nhà máy” điện mini, cộng lại có tổng công suất, ví dụ 500MW (tương đương với công suất phổ biến của một nhà máy nhiệt điện than Việt Nam). Trong khi để xây dựng được một nhà máy nhiệt điện than công suất như vậy, người dân địa phương sẽ không thể tự làm được, bắt buộc phải có chuyên gia, tư vấn, vốn vay ngân hàng, bản vẽ, thiết kế, báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định…
  5. KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, MÁY MÓC, THIẾT BỊ, VỐN ĐẦU TƯ CHO ĐIỆN XANH, ĐIỆN SẠCH ĐỀU ĐANG LÀ SẴN CÓ. KHÔNG TỒN TẠI KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VỀ CÔNG NGHỆ VÀ KỸ THUẬT. GIÁ CẢ LẠI ĐANG LIÊN TỤC GIẢM MẠNH. DO VẬY MÔ HÌNH ĐIỆN LỰC TRONG TƯƠNG LAI GẦN CỦA TOÀN THẾ GIỚI SẼ LÀ:
  6. RẤT NHIỀU NHÀ MÁY ĐIỆN NLTT MINI, PHÂN BỐ RẢI RÁC KHẮP  ĐẤT NƯỚC  +  THIẾT BỊ LƯU TRỮ ĐIỆN NĂNG (ẮC QUI) + ĐỒNG HỒ ĐO ĐIỆN THÔNG MINH + LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH MINI SẼ HÌNH THÀNH LƯỚI ĐIỆN QUỐC GIA THÔNG MINH, SẼ ĐÁP ỨNG ĐẾN 70% - 90% TỔNG NHU CẦU ĐIỆN NĂNG CỦA ĐẤT NƯỚC. PHẦN CÒN LẠI SẼ DO THỦY ĐIỆN (QUI MÔ LỚN), ĐIỆN KHÍ GAS VÀ RẤT ÍT NHIỆT ĐIỆN THAN, ĐIỆN HẠT NHÂN, XUẤT – NHẬP KHẨU ĐIỆN.

Trân trọng cám ơn bạn đọc, mong mọi người hãy chia sẻ rộng rãi hơn.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 10/12/2018.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN
DONALD TRUMP LÀ HIỆN TƯỢNG ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ TRÊN THẾ GIỚI
DONALD TRUMP LÀ HIỆN TƯỢNG ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ TRÊN THẾ GIỚI
Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC