ANH LÀ MỘT GS.TS CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐIỆN LỰC
Anh là một đại cây đa khoa học Điện lực và Năng lượng. Vì anh đã nhiều năm là Tổng giám đốc một công ty nhiệt điện có tiếng ở Quảng Ninh. Sau đó anh được thăng chức lên làm Trưởng Ban Chiến lược và KH&CN của Tập đoàn TKV. Hiện anh là giảng viên trường Đại học Điện lực. Anh là thành viên Hội đồng KH&CN của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Anh là thành viên hội đồng phản biện của tạp chí Năng lượng Việt Nam. Ngoài ra anh còn được VTV tín nhiệm, thường phỏng vấn xin ý kiến của anh về những vấn đề Điện và Năng lượng của đất nước. Cần ấy chức danh, vị trí, trách nhiệm mà anh đảm đương cũng đủ để chúng ta kính nể.
Tại thư kiến nghị của tôi gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kèm bài viết Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC, tôi đã phân tích, chứng minh bằng 95 Thực tế/Sự thật. Bản Quy hoạch này còn được gọi là Quy hoạch Điện lực quốc gia 7 điều chỉnh, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016.
Ngứa mắt, bực mình với bài viết của tôi (ngược lại Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng ý, tiếp thu). Vì Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ ngày 08/2/2017 – 14/6/2017 đăng liền mạch 20 bài “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và từ ngày 13/10 – 18/12/2017 đăng 15 bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm”, từ 03/11 - 07/11/2017 đăng 3 bài "Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu” và bài “Trò gian lận bị lật tẩy”. Tổng cộng 39 bài viết. Bực lắm, nhưng anh cũng chỉ nêu được ra 2 ý, cụ thể như sau để phản đối:
1) Theo cách tính của tôi thì bình quân cứ đốt 1kg than sẽ tạo ra khoảng 2kg khí CO2. Anh nói tôi là sai, đúng ra theo cách tính của anh phải là 3,7kg khí CO2.
2) Tôi đưa thông tin (dẫn số liệu của IEA, Cơ quan Năng lượng quốc tế) là trong năm 2015, toàn Thế giới phát thải khoảng 32,3 tỷ tấn CO2. Trong đó riêng các nhà máy nhiệt điện than phát thải 9,9 tỷ tấn CO2, chiếm 31% của tổng phát thải toàn cầu. Anh nói sai. Anh đã đưa ra
10 nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất được xếp lần lượt như sau:
* Các đại dương đang thải vào khí quyển 480-800 tỷ tấn/năm;
* Các vi sinh vật: 300-370 tỷ tấn/năm;
* Các loại côn trùng: 220-330 tỷ tấn/năm;
* Băng vĩnh cửu: 70-110 tỷ tấn/năm;
(Tôi chỉ copy đưa ra 4 thôi để bạn đọc đỡ mệt. Tổng phát thải CO2 của 10 nguồn đó tôi cộng lại là gần 1.500 tỷ tấn). Tôi đã trả lời anh như sau:
1) Anh đã sai cơ bản. Vì sao lại là sai cơ bản? Vì một cây đa trong ngành than, bao nhiêu năm lăn lộn với ngành than mà lại đồng nhất THAN với nguyên tố CACBON. Bất kỳ một cháu học sinh THPT nào cũng có thể viết được phản ứng hóa học nguyên tố cacbon với ô xy: C + O2 = CO2 + nhiệt năng. Khi gắn nguyên tử lượng vào ta được C(12g) + O2 (2x16g) = CO2 (44g). Từ đó tính được 1kg CACBON cho ta 3,7kg CO2 (44/12 = 3,7) như anh đã tính. Tuy nhiên đây là phản ứng của nguyên tố CACBON với ô xy.
Còn THAN (Coal) là một MỚ HỔN HỢP CÁC CHẤT HỮU CƠ (có chứa các nguyên tố cacbon, hydro, ô xy, lưu huỳnh ….). Mọi công ty bán than đều công bố tiêu chuẩn than cho khách hàng, gồm độ ẩm khoảng 5 – 8% (hơi nước), độ tro 6 – 7% (những khoáng chất không cháy, bao gồm rất nhiều kim loại nặng), chất bốc hơi, cũng khoảng 5 – 7% (là những chất hữu cơ ở nhiệt cao vừa phải đã bay hơi đi hết) và lưu huỳnh (S) từ 0,5 – 1%. Như vậy 1kg THAN THÔ, sau khi trừ đi khoảng 20% các tạp chất nói trên sẽ còn lại khoảng 80% THAN NGUYÊN CHẤT. Và trong than nguyên chất này tỷ lệ nguyên tố CACBON thường chiếm 70 – 80%. Anh đã đồng nhất 1kg THAN THÔ thành 1kg nguyên tố CACBON, đó là lỗi sai cơ bản. 1kg than thô khi cháy thường chỉ tạo ra 2kg khí CO2 mà thôi, không thể có 3,7kg như cách tính của anh.
2) Đối với Thế giới, về các nguồn phát thải khí nhà kính là phổ thông, quá nhiều người biết, nên tôi hiểu những thông tin mà anh nêu ra là bịa. Tôi đã viết ra cho anh kết quả của một công trình nghiên cứu của 34 nhà khoa học đến từ 24 viện, trường khác nhau ở trên Thế giới tham gia, tính toán rất cụ thể cho 50 năm qua, chỉ có 2 nguồn phát thải CO2. Đó là từ đốt các nhiên liệu hóa thạch (than, xăng, dầu và khí) và sản xuất xi măng; và từ thay đổi sử dụng đất (land use change, ví dụ đường HCM chuyển đổi đất rừng, thảm thực vật thành đường giao thông, đất nông nghiệp chuyển thành đất đô thị, khu công nghiệp), tổng tất cả bình quân năm, toàn Thế giới phát thải khoảng 34 tỷ tấn CO2 mà thôi, không phải 1.500 tỷ tấn CO2 như anh đã nêu.
Tôi viết thêm “Ở cương vị là người thày, nếu anh chấm luận văn của một nghiên cứu sinh làm Tiến sĩ với dẫn chứng không thể kiểm chứng được như anh nêu thì anh suy nghĩ ra sao? Khoa học Năng lượng Việt Nam ngộ quá phải không anh?”.
Sau khi đọc xong, anh - một đại cây đa khoa học, một giáo sư của Đại học Điện lực ngán quá, viết gửi tôi độc một câu, ngắn nhất có thể “đồ ngu”.
Khoa học đất nước mình có thế thôi, có thế thôi!!. Tôi tin mạnh mẽ rằng, dân tộc Việt Nam sẽ còn nhiều đời chỉ có gia công, lắp ráp và làm thuê, là oshin ngay trên chính quê hương đất nước của mình. Buồn hơn nữa là hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam cũng chỉ gia công, lắp ráp với nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu. Thậm chí có doanh nghiệp còn vay vốn của ngân hàng thương mại quốc doanh để đầu tư. Chứng minh rất dài và rất chi tiết tại bài VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ KIÊU NGẠO VÀ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 10/7/2020