ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >VỀ CUỘC HỌP CỦA TÔI VỚI CỤC ĐIỆN LỰC VÀ NLTT
Ngày đăng: 03-09-2018 - 23:54:33

TÔI TIN LÀ NGÀNH ĐIỆN LỰC VIỆT NAM SẼ QUAY LẠI HÒA NHỊP
VỚI CỘNG ĐỒNG ĐIỆN LỰC THẾ GIỚI

Kính gửi những người yêu Môi trường và Khoa học,

Ngày 14/4/2018 tôi đã có thư gửi Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan về bài viết “Qui hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 là Qui hoạch hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, đổi lấy kinh tế không hiệu quả” (được ký ban hành tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, còn gọi là Qui hoạch Điện lực VII điều chỉnh)

Ngày 06/7/2018 tôi đã có thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành về bài viết đã hoàn thiện hơn rất nhiều Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 là RẤT CÓ HẠI cho đất nước”: Để thực hiện Quy hoạch này chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, bỏ ra 148 tỷ USD để “mua” những tác hại vô cùng to lớn sau đây:

  1. Hủy hoại sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái.
  2. Làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh biến đổi khí hậu.
  3. Gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước.
  4. Gây tụt hậu lớn cho ngành điện Việt Nam so với Thế giới.
  5. Kìm hãm sự phát triển của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.
  6. Vi phạm nghiêm trọng Luật đấu thầu.
  7. Không nói thật với nhân dân (về cắt giảm công suất nhiệt điện than).

Đồng thời tôi cũng gửi (email kèm các files) tất cả 11 bài viết về Điện và NLTT (mời bạn đọc xem tại website nguyenducthang.vn) tới Cục trưởng Phương Hoàng Kim và 4 Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT.

Bộ Công thương và nhiều Bộ, ngành khác đã có những đổi mới về hành chính, trước kia hoành tráng, gọi là Tổng Cục, nay khiêm tốn hơn, gọi là Cục.

8g30 thứ Ba, ngày 14/8/2018 tôi được mời đến phòng họp 508 của Cục Điện lực và NLTT, theo thư mời là  “để trao đổi, tranh luận trực tiếp về các thông tin, số liệu, bằng chứng khoa học và các kiểm chứng thực tế” mà tôi đã nêu trong các bài viết. Cục Điện lực và NLTT đã mời các đại diện có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà quản lý của Cục Điện lực và NLTT và các đơn vị liên quan, tất cả 8 người. Chủ trì, điều hành cuộc họp là Phó Cục trưởng Lê Văn Lực.

Dưới đây tôi xin tóm tắt một số ý chính trao đổi tại cuộc họp, ý của “phía Cục Điện lực và NLTT được tô vàng”:

Anh Lực: Sau khi nói ngắn gọn khai mạc, cuộc họp này được tổ chức theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và giới thiệu các đại diện đến từ các đơn vị, đề nghị anh Thắng là tác giả của những kiến nghị, hãy trình bầy tóm tắt những ý kiến của mình, sau đó chúng tôi sẽ góp ý.

Tôi trả lời: Cám ơn các anh đã tổ chức cuộc họp. Tôi có nguyện vọng mong muốn là ngành điện của đất nước được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phù hợp với xu thế phát triển của Thế giới; đất nước ta sẽ có điện xanh, điện sạch và đủ điện để dùng. Ngành điện của Việt Nam phát triển như thế nào là do các anh quyết. Sức khỏe và tính mạng của nhân dân và môi trường sinh thái liên quan đến nhiệt điện than là do các anh quyết. Bài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn của hãng Reuter về Phát triển điện NLTT trước khi đi thăm Canada là do các anh viết, Qui hoạch Điện lực quốc gia mà Thủ tướng ký là do các anh soạn thảo. Nhưng tôi  hoàn toàn tin là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mong muốn có điện xanh, điện sạch và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy, vì Thủ tướng đã nói nhiều lần “không đổi môi trường lấy kinh tế”. Tôi đã viết rất nhiều và cũng đã gửi các anh và các anh cũng đã nghiên cứu nên tôi xin được nghe ý kiến từ các anh.

Anh Lực:  Làm Qui hoạch phát triển điện quốc gia chúng tôi không thể tự quyết được, còn nhiều cơ quan, đơn vị tham gia vào; còn ý kiến của các Bộ, ngành khác nữa. Chúng tôi không thể tự quyết được hết tất cả như anh nói. Tôi băn khoăn về thông tin, xem lại tính chính xác, độ tin cậy của nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard tại hội thảo quốc tế do GreenID tổ chức "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết". Chuyên gia Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”.

Tôi trả lời: Thương hiệu Đại học Harvard là nổi tiếng toàn cầu. Tôi tin vào sự làm việc có phương pháp khoa học bài bản và nghiêm túc và có trách nhiệm của những chuyên gia đến từ Harvard. Tôi học chuyên về Hóa. Dân hóa chúng tôi đều biết về những tác động độc hại liên quan đến than và đặc biệt khí thải của nhiệt điện than. Nên trong các bài viết của mình, tôi đã viết “Thế giới đã biết rõ tác động độc hại của than từ rất lâu, nhưng Thế giới đã phải ngậm đắng nuốt cay xây dựng các nhà máy nhiệt điện than vì không còn cách nào khác. Tuy nhiên ngày nay sự phát triển KH&CN về điện gió và điện mặt trời vô cùng mạnh mẽ, nên giá của điện gió và điện mặt trời đã trở nên vô cùng rẻ, rẻ hơn nhiệt điện than, nên các nước như Đức, Bắc Âu mặc dù người ta sở hữu nhiều phát minh, sáng chế, công nghệ nguồn về nhiệt điện than và xử lý bụi và khí thải, nay người ta đồng loạt vứt bỏ nhiệt điện than, chuyển sang coi điện NLTT là chủ lực, trụ cột để đảm bảo an ninh năng lượng cho họ”.

Anh Lực: Anh đã viết “Than được khai thác từ vỏ Trái đất, bình quân 1 triệu tấn than có chứa 104kg thủy ngân, 7.509 kg Arsen, 1.111 kg Beryllium, 714kg Cadmium, 8.390kg Crom, 8.894kg Nickel, 2.464kg Selenium v.v..” Tôi băn khoăn về những thông tin như vậy, tính chính xác, số liệu cụ thể, mức độ tin cậy và đề nghị đại diện của một đơn vị liên quan đến ngành than cho biết ý kiến, xem số liệu than của ta có như vậy không?.

Ý kiến của đại diện chuyên theo dõi về than: Những số liệu trên, về cụ thể có thể đúng, có thể sai, vì đối với những mỏ than khác nhau, ở những vùng khác nhau, tỷ lệ có thể nguyên tố này nhiều hơn, kim loại khác ít hơn, do vậy, khó kết luận được đúng/sai.

Tôi trả lời: Những số liệu trên tôi lấy từ trên mạng, có thể người ta tính bình quân cho than của vùng đất nước họ. Chúng ta không nên quan tâm đến những con số cụ thể, vì mỗi vùng than sẽ có số liệu khác nhau, hàm lượng cụ thể của các kim loại nói trên sẽ là khác nhau đối với than ở Mạo Khê, khác than Cẩm Phả hay Hòn Gai. Tôi xin nêu một QUI LUẬT “Hàm lượng cụ thể của các kim loại nói trên, các hợp phần cấu tạo của than phụ thuộc vào cấu tạo địa chất của vùng mỏ chứa than”.

Anh Lực: Xu hướng Thế giới, các nước phát triển đã bão hòa về điện, nhu cầu không tăng mấy, nên hiện nay thêm ít điện gió và điện mặt trời cũng không có vấn đề gì, hoàn cảnh nước mình còn khó khăn. Sau đó anh Lực mời anh Tuấn đại diện Viện Năng lượng, đơn vị chủ yếu chạy các mô hình tính toán cân bằng năng lượng cho ra những kịch bản phát triển điện được phê duyệt tại Qui hoạch.

Anh Tuấn là người  báo cáo trọng tâm của buổi họp. Anh mở máy tính laptop và trình bầy theo những điều anh đã chuẩn bị trong đó. Bài toán chạy mô hình đảm bảo phối hợp, cân bằng 3 trụ cột giữa đủ nguồn cung cấp điện, đảm bảo hiệu quả kinh tế, cực tiểu chi phí và đảm bảo yếu tố môi trường. Từ chạy phần mềm, giải các bài toán mô hình này cho ra những kết quả đã được thể hiện tại Qui hoạch Điện lực VII điều chỉnh, bao nhiêu nghìn MW công suất nhiệt điện than, bao nhiêu nghìn MW công suất thủy điện, bao nhiêu nghìn MW công suất điện khí tự nhiên, điện gió và điện mặt trời v.v… Tôi không thể nhập tâm và nhớ được những điều mà anh Tuấn nói về các chi tiết công việc chạy mô hình tính toán của mình, những thông số đầu vào – đầu ra của mô hình. Tóm lại, anh Tuấn không góp ý, phê phán trực tiếp vào bất cứ điều nào mà tôi đã viết. Anh Tuấn chỉ báo cáo về những việc làm của anh ấy.

Tôi đoán anh Tuấn đã về hưu, là chuyên gia tư vấn về năng lượng và đang thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng này.

Anh Tuấn đã kết thúc báo cáo dài của mình. Sau đó anh Lực để tôi phát biểu. Tôi nói là những điều anh Tuấn trình bầy rất chuyên sâu về các mô hình mà anh ấy làm, tôi không hiểu, tôi không quan tâm. Nếu anh báo cáo như vậy cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng cũng sẽ không hiểu, không quan tâm. Có điều là nếu Bộ trưởng nhìn thấy kết quả đầu ra, số liệu nhiệt điện than chiếm đến 53%, điện gió 2%, điện sinh khối 2%, điện mặt trời 3%, chắc chắn Bộ trưởng sẽ nói “cám ơn các anh, xin các anh chạy lại mô hình cho tôi nhờ. Nhiệt điện than sao mà cao thế! điện xanh, điện sạch sao mà ít thế?

Cũng chạy các mô hình tính toán cân bằng, tối ưu, cho ra các kịch bản phát triển điện, tại sao anh Khánh ở chỗ chị Khanh, tổ chức GreenID, cho ra những kết quả là nhiệt điện than thấp và tỷ lệ điện gió và điện mặt trời là rất cao, trái ngược nhau?. Mô hình như vậy là không thể chấp nhận được. Các anh sẽ sa lầy và chết vì mô hình.

Tại sao các anh, anh Khánh và anh Tuấn, tất cả các anh chỉ chạy mô hình tính toán công suất MW? không chạy mô hình cân đối điện năng MWh? 100MW công suất nhiệt điện than cũng bằng 100MW điện mặt trời, nhưng điện mặt trời chỉ khi có nắng mới sản xuất điện, ví dụ  trong cả ngày chỉ có 6 giờ nắng, tạo ra chỉ có 600MWh điện, trong khi nhiệt điện than một ngày chạy có thể chạy 24 giờ cho ta 2400MWh điện. Như vậy là cùng một công suất nhưng tỷ trọng sản lượng điện của điện mặt trời là rất thấp. Chúng tôi thường quan tâm và mong muốn là tỷ trọng sản lượng điện mặt trời (MWh) được nâng cao hơn nữa. Tôi phản đối nhiệt điện than rất cao đến 53,2% trong khi điện sinh khối 2,1%, điện gió 2,1%, điện mặt trời 3,3% là vô cùng bé.

Anh Vinh: Nêu rào cản kỹ thuật vận hành hệ thống điện, cần phải có công suất “nền” đủ lớn để ổn định, tức là cần nhiệt điện than và điện khí ga để đáp ứng vào những giờ cao điểm, khi điện gió và điện mặt trời là yếu hoặc tắt. Không thể vận hành hệ thống điện với tỷ trọng điện NLTT cao nếu như không có điện than và điện khí ga đủ lớn để làm “NỀN”. Bắt buộc phải đảm bảo an ninh năng lượng, điện không thể thiếu.

Tôi trả lời: Điện gió và điện mặt trời nào cũng đều có ắc qui để lưu trữ điện. Khi tắt nắng, tắt gió, triệu triệu các ắc qui tự động phát ra điện, góp phần cần bằng cung – cầu về điện, góp phẩn ổn định lưới điện. Không cần phát triển nhiệt điện than để làm nền.

Một đại biểu nói ủng hộ những kiến nghị của tôi liên quan đến vấn đề giá điện, giá điện của Việt Nam là quá thấp, không phản ánh đầy đủ các chi phí, chưa tính đến các chi phí  BVMT, làm cho EVN luôn nợ hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Theo thông tin trên mạng, từ các báo chí chính thống, tính đến tháng 6/2016, EVN nợ 475.000 tỷ đồng.

Một anh nữa nói về nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện đạt gần 40oC và xả thẳng vào môi trường thủy sinh (hạ lưu, cuối nguồn so với điểm hút) sẽ “hâm nóng” mọi động - thực vật, tạo nên vùng chết đối với thực vật và tôm cá. Việc hút nước vào hệ thống làm mát, mặc dù đã có lưới chắn, các màng lọc giết chết nhiều cá…những thông tin này là không tin cậy, đề nghị xem xét lại.

Tuy nhiên, ý kiến này anh Lực không quan tâm, tôi không cần phải trả lời, anh Lực chuyển sang kết luận cuộc họp, những ý kiến của tôi sẽ được xem xét, cân nhắc trong việc xây dựng Qui hoạch Điện lực VIII. Tôi nói với anh Lực là tôi đã có thư gửi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tôi có nguyện vọng nhận được văn bản trả lời của lãnh đạo Bộ.

Thưa bạn đọc,

Những bài viết của tôi đã cố gắng chỉ rõ chính bản Qui hoạch Điện lực VII điều chỉnh và một số văn bản pháp lý khác, do chính họ tạo ra lại làm hại, trói buộc chính ngành điện của mình. Chọn mô hình Điện lực của thập kỷ 60, 70 cho tương lai của Điện lực Việt Nam vào những năm 2050 coi như tự mình hại mình. Đến nay Cục Điện lực và NLTT đã biết điều đó. Vì vậy tôi tin là ngành Điện lực Việt Nam sẽ quay lại, hòa nhịp với cộng đồng Điện lực Thế giới.

Trân trọng cám ơn bạn đọc và mong được chia sẻ rộng rãi hơn.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 03/9/2018.

PHỤ LỤC: Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg, ngày 21/7/2011, phê duyệt ban hành Qui hoạch Điện lực VII: Các nhà khoa học đã chạy mô hình tính toán cân đối điện lực cho kết quả “ảo” về nhu cầu điện năng vào các năm 2015, 2020 và 2030 là quá cao, lần lượt là 202 tỷ kWh, 346 tỷ kWh và 760 tỷ kWh. Thực tế vào năm 2015 sản lượng điện cả nước là 158 tỷ kWh (theo Tổng cục Thống kê), như vậy  nhu cầu được phóng đại lên 128% (202 : 158 = 1,28). Kế hoạch ngân sách đầu tư hàng năm cho phát triển ngành điện không thể dựa trên một Qui hoạch điện lực mà nhu cầu bị phóng đại quá cao. Do vậy, BẮT BUỘC PHẢI điều chỉnh, cắt giảm: a) Cắt giảm sản lượng điện cho các năm 2020 và 2030 khoảng 25% – 28%. b) Cắt giảm công suất: Vì điện NLTT quá bé nhỏ không thể cắt giảm được, duy nhất là phải cắt giảm công suất nhiệt điện than 10.000MW đối với năm 2020 và 20.000MW đối với năm 2030 (tương đương với giảm nhập khẩu 42 triệu tấn than!!). Tuy nhiên, việc cắt giảm này lại được PR, nói với nhân dân là góp phần bảo vệ môi trường. Kết quả của 2 loại cắt giảm này là Qui hoạch Điện lực VII điều chỉnh dưới đây:

Tuy nhiên, những con số biết nói của bảng này cho ta thấy TRONG TƯƠNG LAI lâu dài, nhiệt điện than vẫn có vai trò quân vương, trụ cột. Tổng điện NLTT bé nhỏ, hẩm hiu, suy giảm phận buồn. Vào năm 2030 nhiều tỷ USD vẫn phải chi ra để nhập khẩu 79 triệu tấn than.

Tôi cầu mong để có được một sự đổi mới thực chất trong bản Qui hoạch Điện lực VIII.