CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ >TỔNG THỐNG DONALD TRUMP ĐANG BỊ ÉP TỪ CHỨC
Ngày đăng: 22-07-2023 - 23:36:01

TỔNG THỐNG DONALD TRUMP ĐANG BỊ ÉP TỪ CHỨC NẾU KHÔNG SẼ BỊ LUẬN TỘI

 

Thứ Tư, ngày 6/1/2021 là ngày Quốc hội tổ chức phiên họp kiểm phiếu và chứng nhận kết quả phiếu đại cử tri đối với ứng viên Tổng thống Joe Biden. Người chủ trì việc chứng nhận các phiếu đại cử tri chính là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, kiêm Chủ tịch Thượng viện. Sau đó Chủ tịch Thượng viện sẽ công bố “Ông Joe Biden là Tổng thống được bầu của nước Mỹ”. Ngày 20/1/2021 ông Biden sẽ tuyên thệ nhận chức. Cuộc họp Quốc hội này là do Hiến pháp ấn định, mang tính hình thức. Vì kết quả đã rõ từ sau ngày 3/11/2020 bầu cử phổ thông trên toàn nước Mỹ.

 

Khoảng một giờ trước cuộc họp của Quốc hội sẽ diễn ra trong Điện Capitol, tại cuộc mít tinh ở công viên Ellipse gần Nhà Trắng, từ phía sau tấm kính chống đạn cỡ lớn, Tổng thống Trump đã kêu gọi những người ủng hộ cùng ông tuần hành về phía Điện Capitol nhằm ngăn chặn các nghị sĩ chứng nhận kết quả bầu cử theo ông là không hợp pháp: "Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc, chúng ta sẽ không bao giờ nhận thua. Chúng ta sẽ chặn hành vi đánh cắp bầu cử. Chúng ta sẽ kéo tới Điện Capitol, và tôi sẽ ở đó cùng các bạn để cổ vũ những hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ can đảm của chúng ta. Vì bạn sẽ không bao giờ lấy lại được đất nước bằng sự yếu đuối, bạn phải thể hiện sức mạnh, bạn phải mạnh mẽ".

 

 

Sau đó đoàn người ủng hộ ông Trump đã lao vào Điện Capitol nơi tất cả các thành viên Quốc hội của cả hai đảng là Dân chủ và Cộng hòa đang họp chứng nhận các phiếu đại cử tri. Bất chấp sự ngăn chặn của lực lượng cảnh sát, người biểu tình ào ạt xông vào. Các nghị sĩ phải bỏ cuộc họp, chạy sơ tán hoặc trú ẩn trong các văn phòng. Những người biểu tình đã xông vào từng phòng để "truy lùng" các nghị sĩ, khiến cảnh sát đã phải nổ súng. Tin mới nhất (đến ngày 8/1), có năm người chết và một số bị thương. Máu đã đổ. Vài giờ sau khi cảnh sát ổn định được tình hình, cuộc họp lại tiếp tục và kết thúc vào lúc 3:20 sáng ngày 7/1 với tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ ông Mike Pence, kiêm Chủ tịch Thượng viện “Ông Joe Biden là Tổng thống được bầu hợp pháp của nước Mỹ”.

 

Trong đám người hỗn tạp tấn công vào Điện Capitol, các phóng viên đã hỏi lý do, động cơ nào, duyên cớ vì sao họ lại tấn công vào Điện Capitol. Không một ai trả lời được câu hỏi này. Câu trả lời duy nhất là “tôi yêu thích và ủng hộ ông Trump”.

Tất cả những người trong đám hỗn tạp đập phá đó đều là những người thiếu hiểu biết; thất nghiệp, không công ăn việc làm v.v.. đã chọn cách đập phá để ủng hộ ông Trump. Ông Trump đã năn nỉ Phó Tổng thống của mình “hãy từ chối, không công nhận các phiếu đại cử tri rởm ấy”. Phó Tổng thống Mike Pence mặc dù bị ông Trump dồn đến chân tường vẫn phải từ chối, vì không thể làm việc trái với Hiến pháp, vi phạm pháp luật.

 

Sự kiện tấn công khủng khiếp này được tất cả các  nghị sĩ của Đảng Dân chủ và nhiều nghị sĩ của Đảng Cộng hòa coi là bạo lực, tấn công, khủng bố (violence, attack, terrorism) vào Hiến pháp Mỹ, nền Dân chủ Mỹ và nhân dân Mỹ.

 

Ngay trong ngày 6 và 7/1 hàng loạt các Bộ trưởng, thành viên nội các của ông Trump đã lên tiếng và nộp đơn xin từ chức để phản đối hành vi kích động bạo lực của Tổng thống Trump.

Bộ trưởng Ngoại giao, ông Mike Pompeo đã tuyên bố cuộc tấn công vào Điện Capitol là không thể chấp nhận được. Hành vi tấn công, vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được ở đây hoặc là bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Quyền Bộ trưởng Tư pháp, ông Jeffrey A. Rosen coi bạo lực tấn công vào Hiến pháp và nền dân chủ là không thể tha thứ. Bộ Tư pháp sẽ vào cuộc điều tra, bắt giữ và truy tố những ai tấn công vào Điện Capitol.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng viết trong tuyên bố của mình là ông ủng hộ việc “Chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho ông Biden – Tổng thống được bầu cử vào ngày 20/1. Cuộc tấn công vào Điện Capitol là đáng trách, đối lập với tinh thần của Hiến Pháp Mỹ”.

Bộ trưởng Giáo dục bà Betsy DeVos từ chức ngay vào tối ngày 7/1, bà phê phán bạo loạn “Đám hỗn tạp tức giận không được phép tấn công vào Điện Capitol của chúng ta. Chuyển giao quyền lực một cách hòa bình là sự tách bạch giữa dân chủ đại diện Mỹ và cộng hòa củ chuối” (nguyên văn: banana republics).

Bộ trưởng Giao thông bà Elaine Chao là thành viên nội các (cabinet officials, Việt Nam là thành viên Chính phủ) đầu tiên tuyên bố tham gia vào làn sóng từ bỏ Nhà Trắng đang gia tăng trong các quan chức hành chính (administration officials, Việt Nam là từ cấp thứ trưởng trở xuống) tuyên bố rời bỏ Nhà Trắng. Bà không thể chấp nhận hành vi và không thể tha thứ cho Tổng thống kích động một đám đông hỗn tạp tấn công vào Điện Capitol.

Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa, ông Chad F. Wolf đã viết trên mạng Twitter “Hôm qua là ngày tai họa và ốm yếu. Hiện chúng ta đang nhìn thấy những người ủng hộ Tổng thống đã sử dụng bạo lực nhằm đạt mục đích chính trị”.

Bộ trưởng Tài chính, ông Steven Mnuchin đang trên đường công tác tới Israel đã phê phán bạo lực, không thể chấp nhận được và phải chấm dứt. Ông sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày lễ nhận chức của Tổng thống mới.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross viết 6 từ trên mạng Twitter chỉ vài giờ sau cuộc tấn công, thứ Tư ngày 6/1 “Bạo lực không bao giờ đúng”.

Bộ trưởng Năng lượng, ông Dan Brouillette  gọi “Sự kiện tai họa tại Điện Capitol của dân tộc chúng ta. Bạo lực với động cơ chính trị, bất kể tư tưởng hay nguyên nhân gì đều phải bị phê phán mạnh mẽ nhất. Không một người Mỹ nào có thể tha thứ cho hành vi xem thường đối với một trong những thể chế linh thiêng nhất của dân tộc”.

Bộ trưởng Y tế  Alex M. Azar II viết trên mạng Twitter “Tôi ghê tởm cuộc tấn công vào Điện Capitol mà chúng ta chứng kiến hôm nay. Bạo lực đối với biểu tượng linh thiêng của nền dân chủ của chúng ta phải chấm dứt”.

Bộ trưởng Nhà ở Ben Carson kêu gọi chấm dứt bạo lực, đã viết trên Twitter “Bạo lực không bao giờ là phản ứng thích hợp bất kể đó là quan tâm chính đáng. Xin hãy nhớ: Nếu ngôi nhà bị chia đôi thành hai nửa đối nhau thì nhà đó không thể đứng được”.

Bộ trưởng Nội vụ, ông David Bernhardt, phê phán bạo lực và ca ngợi các hành động của đơn vị Cảnh sát Park US thuộc Bộ của ông đã hoàn thành nhiệm vụ bổn phận bảo vệ các mạng sống và biểu tượng của nền dân chủ.

Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia, thứ Tư ngày 6/1, đã coi cuộc tấn công là “Một điểm thấp trong lịch sử dân chủ của chúng ta. Chúng ta phải nâng nó lên ngay lập tức”.

Bộ trưởng Nông nghiệp, ông Sonny Perdue, nói với các nhà báo tại bang Georgia, ông thất vọng với Tổng thống đã kích động nhóm hỗn tạp. “Đó không phải là việc làm đúng. Nước Mỹ phải tiến lên, chúng ta có Tổng thống mới”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski là người đầu tiên kêu gọi Tổng thống Trump từ chức.

 

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, ngày thứ Sáu (8/1) đã đe dọa “Tổng thống Trump phải từ chức “ngay lập tức” nếu không sẽ bị luận tội”. Bà đã kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa góp sức để phế truất Tổng thống khỏi văn phòng. Sau khoảng 3,5 giờ trao đổi qua điện thoại với các nghị sĩ dân chủ, bà cho biết đã chỉ đạo Ủy ban Qui tắc chuẩn bị hai khả năng là luận tội Tổng thống hoặc Tổng thống phải từ chức theo Điều bổ sung 25 (25th Amendment) của Hiến pháp. Đó là Điều qui định chuyển giao quyền lực khi Tổng thống bị ốm hay không có khả năng điều hành đất nước. Điều bổ sung 25  này được đưa vào Hiến pháp ngày 10/2/1967 và đã được tất cả 47/50 bang thông qua.

 

Điều bổ sung 25 đã được áp dụng đối với Tổng thống Richard Nixon vào ngày 9/8/1974. Tổng thống Nixon đã chọn giải pháp từ chức, chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống là Gerald Ford, vì sợ bị Quốc hội luận tội liên quan đến vụ bê bối Watergate Scandal làm chấn động nước Mỹ. Vài tháng trước bầu cử Tổng thống năm 1972, các cựu nhân viên, mật vụ của FBI và CIA đã đột nhập vào trụ sở của Đảng Dân chủ ở Thủ đô Washington tại tòa nhà Watergate và văn phòng của ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ George McGovern để nghe lén điện thoại và đánh cắp các tài liệu mật. Những cuộc điều tra sau đó chứng minh rằng Tổng thống Nixon liên quan trực tiếp, đã che dấu những người này và dùng quyền lực của mình để ngăn cản điều tra. Tổng thống mới Gerald Ford sau đó vài tháng đã ký quyết định tha bổng cho ông Nixon.

 

Ngày 29/6/2002 Tổng thống George W. Bush cũng đã sử dụng Điều bổ sung 25  để chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Dick Cheney trong thời gian ông phải làm xét nghiệm đại tràng (ruột già) vì phải gây mê, bất tỉnh. Hai giờ sau xét nghiệm  ông đã tỉnh và tiếp nhận lại quyền lực như cũ.

 

Phó Tổng thống Mike Pence đã bị các nghị sĩ gây sức ép đứng ra tuyên bố áp dụng Điều bổ sung 25 yêu cầu Tổng thống Trump từ chức, bàn giao quyền lực vì ông Trump không đủ năng lực điều hành đất nước, đã có hành vi kích động bạo lực, tấn công Điện Capitol, tấn công nền dân chủ, vi phạm Hiến pháp mà ông đã trung thành tuyên thệ trong lễ đăng quang nhận chức. Phó Tổng thống Mike Pence mặc dù không đồng ý với ông Trump nhưng đã từ chối làm việc này.

 

Tổng thống mới, ông Joe Biden sẽ làm lễ nhận chức vào ngày 20/1, nói với báo chí “Việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nếu Quốc hội muốn thì họ làm”. Còn 2 tuần nữa Tổng thống Trump sẽ hết quyền lực. Vào giữa tuần tới Hạ viện sẽ họp dưới sự chủ trì của bà Nancy Pelosi để bàn và lấy biểu quyết biện pháp xử lý Tổng thống Trump. (Nguồn: Tổng hợp từ các báo chí Mỹ)

 

Trân trọng cám ơn bạn đọc

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 9/1/2021