ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >ĐIỆN MẶT TRỜI Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ TỘI, LỖI DO CON NGƯỜI GÂY RA
Ngày đăng: 28-01-2021 - 09:33:56

ĐIỆN MẶT TRỜI Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ TỘI, LỖI DO CON NGƯỜI GÂY RA

 

 

Xin chào nhà văn Hà Văn Thùy,

 

Xin lỗi anh là trả lời hơi chậm điều mà anh lo lắng về điện mặt trời (ĐMT), vì tuần vừa rồi tôi “nghiện” tin về tình hình bầu cử Tổng thống Mỹ, cũng kịch tính và hấp dẫn.

 

Đúng như anh nói, báo chí và một số quan chức EVN đang tấn công điện mặt trời ở miền Trung (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận), qui tội “sự bùng nổ điện mặt trời có nguy cơ làm quá tải, rã lưới điện quốc gia và vỡ mộng điện mặt trời! Có nhà đầu tư khóc dở mếu dở khi rao bán "Cần bán trang trại điện mặt trời tại Bình Thuận, 50 MWp, giá 220.000 USD/MWp, giao đất 50 năm, đã có hợp đồng mua bán điện (PPA)” … Khi các dự án không được hòa lưới hoặc buộc phải sa thải phụ tải đến mức cao nhất cho phép là 90%, không chỉ nhà đầu tư chịu chết nếu không bán được dự án mà các tổ chức tín dụng cũng khóc ròng"

Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho biết sản lượng điện phát từ ĐMT trên toàn quốc năm 2020 là 10,6 tỉ KWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Trong năm 2020, cơ quan điều tiết cắt giảm 365 triệu KWh ĐMT không khai thác do quá tải lưới nội vùng.

 

Tôi rất vui vì có sự bùng nổ này. Đó là một thực tế hiển nhiên minh chứng cho “Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 đã HOÀN TOÀN PHÁ SẢN. Như vậy là thực tế năm 2020 sản lượng ĐMT đã vượt mục tiêu quy hoạch 7,6 lần (10,6 tỷ kWh/1,4 tỷ kWh) và tỷ trọng ĐMT tăng vượt mục tiêu quy hoạch 5,4 lần (4,3%/0,8%). Tầm nhìn của các quân sư, cố vấn cho quy hoạch là quá ngắn, tụt hậu so với xu thế phát triển Điện và năng lượng của Thế giới. Vì họ đã  lấy mô hình điện thập kỷ 60 – 70 của Thế giới (nhiệt điện than là chủ lực) cho tương lai Điện lực nước nhà. Quy hoạch này được gọi tắt là “Quy hoạch Điện VII điều chỉnh”. Vậy tại sao họ phải điều chỉnh bản Quy hoạch Điện VII được phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011. Gốc rễ của việc điều chỉnh là các mục tiêu, nhu cầu về điện cho năm 2015, 2020 và 2030 đã bị Viện Năng lượng chạy chương trình máy tính “bốc thuốc” quá cao, phóng đại nhu cầu về điện của Việt Nam. Nhu cầu điện cho năm 2015 được máy tính “bốc thuốc” là 202 tỷ kWh. Trong khi theo Tổng cục Thống kê chỉ là 158 tỷ kWh. Mục tiêu cao quá thực tế 128% (= 202/158). Nhu cầu tiêu dùng điện đã được phóng đại cho cả các năm 2020 và 2030 là không thể chấp nhận được đối với bản Qui hoạch Điện lực quốc gia, làm căn cứ cho bản kế hoạch đầu tư (cấp vốn, ngân sách) phát triển điện hàng năm. Do vậy, tháng 3/2016 Bộ Công thương buộc phải điều chỉnh cắt giảm “trí tưởng tượng” của mình đi 25% - 27% cho các năm 2020 và 2030. Lỗi là do máy tính, không phải do con người, các cây đa khoa học điện và năng lượng.

 

Thưa nhà văn Hà Văn Thùy,

Trở lại sự bùng nổ của ĐMT tại các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Những ý kiến qui tội cho ĐMT ở trên tôi thấy không thuyết phục, kỳ lạ nữa. Vỡ mộng ĐMT vậy tại sao rất nhiều chủ đầu tư cứ lao vào năn nỉ xin các quan chức quản lý Nhà nước để đầu tư? mặc dù họ thừa biết là quy hoạch phát triển ĐMT cho vùng này là vô cùng, vô cùng nhỏ (Quy hoạch Điện VII điều chỉnh). Các dự án ngoài quy hoạch đương nhiên phải năn nỉ và xin được bổ sung, phải được UBND tỉnh đồng ý, Bộ Công thương đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Con số này lớn lắm.

 

TẠI SAO LẠI CÓ SỰ BÙNG NỔ MẠNH MẼ CỦA ĐMT Ở VIỆT NAM?

 

Sáng ngày 22/8/2018 tôi được mời tham dự hội thảo khoa học “Nhìn lại 1 năm thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời” do GreenID tổ chức tại khách sạn Hòa Bình, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tại hội thảo này tôi đã nêu ý kiến là vì khoa học và công nghệ về ĐMT đã phát triển vượt bậc, làm cho giá thành của nó trở nên quá rẻ, rẻ hơn cả nhiệt điện than bẩn nhất của Việt Nam. Phải nói là rớt giá chứ không phải là giảm giá. Vì vậy Không một thế lực nào có thể ngăn cản được sự phát triển của ĐMT. Vì tôi đọc được những thông tin: “Ngày 20/7/2017 cơ quan Điện và Nước của thành phố Dubai thông báo là dự án Điện mặt trời Al Maktoum giai đoạn 3 sẽ hoàn tất vào năm 2020, giá thắng thầu là 2,99 cents Mỹ/kWh (khoảng 690 đồng VNĐ), siêu sạch và siêu rẻ của Dubai. Tỷ trọng điện mặt trời của Dubai sẽ là 25% vào năm 2030 và 75% vào năm 2050. Tại Ấn Độ: Nửa đầu năm 2018, giá thành đối với điện gió trên bờ là 3,9 cent US/kWh, giảm 46% so với năm ngoái; điện mặt trời là 4,1 cents US/kWh, giảm 45% v.v.. Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018 bình quân chi phí qui dẫn của Thế giới đối với nhiệt điện than là 6,8 cents US/kWh, điện khí ga chu trình kết hợp là 9,3 cents US/kWh. Giá thành nhiệt điện than cực bẩn của Việt Nam hiện đang khoảng 7 cents Mỹ/kWh.

 

Tháng 4/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg “Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam”.  Đối với dự án nối lưới, giá mua ĐMT chưa có ắc qui/pin (thiết bị lưu trữ điện) cho tất cả loại hình là 9,35 centsMỹ/KWh, có hiệu lực đến ngày 30-6-2019. Các dự án được phê duyệt sẽ được EVN ký hợp đồng mua điện (PPA) với giá như vậy áp dụng cho suốt 20 năm vận hành và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD do ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

 

Quá lãi rồi, lãi rất to. Chủ đầu tư có lãi, đương  nhiên ngân hàng cũng phải có lãi. Chỉ trong một thời gian ngắn, các dự án ĐMT ồ ạt được cấp phép. Như vậy, thông tin rao bán dự án ĐMT nêu trên, nếu đúng, có thể là chủ đầu tư này muốn ăn lúa non, bán giấy phép ăn lãi chút ít là được.

 

Đối với những dự án ĐMT vận hành thương mại hoặc một phần của dự án có vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020: Thực hiện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg “Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam” ban hành ngày 6/4/2020.  Giá mua ĐMT chưa có ắc qui/pin (thiết bị lưu trữ điện): Đối với ĐMT trên mặt đất là  7,09 cent/KWh, ĐMT nổi trên mặt nước là 7,69 cent, ĐMT mái nhà là 8,38 cent/KWh. Hợp đồng mua điện áp dụng cho 20 năm và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD.

 

Do có sự chênh lệch lớn về giá nên sẽ có rất nhiều dự án ĐMT  trên mặt đất “dấu mình, biến tướng” thành các công trình ĐMT mái nhà chỉ trong tháng 12/2020 để tận hưởng giá 8,38 cent/KWh trong suốt 20 năm. Riêng đối với tỉnh Ninh Thuận vẫn được ưu tiên, ĐMT nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/01/2021 vẫn được mua với giá 9,35 centsMỹ/KWh, được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

 

Theo báo Tuổi trẻ online đăng ngày 01/01/2021 15:51 GMT+7, dựa trên thông tin do EVN cung cấp: “Chỉ trong vài ngày trước khi chính sách này hết hạn, số lượng dự án đã tăng chóng mặt khi ngày 28-12, có 86.003 dự án điện mặt trời mái nhà hòa lưới với tổng công suất 5.289 MWp. Đến ngày 30-12, cả nước có 90.435 dự án điện mặt trời mái nhà hòa lưới với tổng công suất 6.354 MWp. Tuy nhiên, chỉ riêng trong ngày 31-12, con số "chốt sổ" đã lên tới 9.296 MWp với 101.029 công trình. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà Việt Nam hiện nay đã gần bằng 5 lần công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Hòa Bình”.

 

Sự phát triển thần kỳ này chưa từng thấy ở đâu trên Thế giới!.

 

Qua 12 giờ đêm ngày 31-12-2020 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực. Bộ Công thương chưa công bố cơ chế giá mới mua ĐMT. Giai đoạn ngon ăn, không phải đấu thầu đã hết. Có lẽ sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu như các nước văn minh để chủ đầu tư cũng có lãi hợp lý, nhưng người tiêu dùng không phải trả giá quá cao.

 

Yếu tố thứ hai nữa làm cho chi phí vận hành dự án điện mặt trời trở nên rất thấp là ánh sáng mặt trời tự đến chiếu vào các tấm quang điện để tạo thành điện. Trong khi đối với nhiệt điện than chúng ta phải đào mỏ khai thác, xe lớn và tàu bè chuyên trở, bến bãi tập kết chứa than, phải nghiền than rất nhỏ, mịn như cám trước khi phun vào buồng đốt nồi hơi. Theo Quy hoạch Điện lực VII điều chỉnh, với nhiệt điện than là trụ cột, vào năm 2030 năng lực sản xuất than trong nước tối đa khoảng 42 triệu tấn, lượng than cần nhập khẩu bổ sung khoảng 80 triệu tấn nữa. Than, xăng, dầu và khí đều là TÀI NGUYÊN HỮU HẠN, CẠN KIỆT VÀ HẾT trong khi ánh nắng mặt trời là vô hạn, không bao giờ hết.

 

VỀ Ý KIẾN THỪA ĐIỆN MẶT TRỜI Ở MIỀN TRUNG CÓ NGUY CƠ LÀM QUÁ TẢI, RÃ LƯỚI ĐIỆN NỘI VÙNG:

 

Ý kiến này không có căn cứ khoa học và không có tính xây dựng. Vì  những lý do sau:

 

Theo định nghĩa, hệ thống điện bao gồm nhà máy sản xuất điện, đường dây phân phối, truyền tải điện và nơi tiêu thụ điện, người tiêu dùng điện. Đối với bất cứ  một loại điện nào (than, dầu, khí, thủy điện, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển) sẽ không hình thành hệ thống điện nếu sản xuất mà không có truyền tải phân phối điện đến người sử dụng. Do vậy, đầu tư làm bất cứ một  nhà máy sản xuất loại điện gì cũng phải đầu tư làm đường dây truyền tải đến người tiêu dùng, nếu không sẽ trở nên vô nghĩa.

 

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận), thuộc Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO 3, tập đoàn EVN) gồm 4 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 5.624MW dự kiến cho tổng sản lượng 40 tỷ kWh/năm. Trong đó 3 nhà máy đã đi vào vận hành là Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4. Nhà máy Vĩnh Tân 3 sẽ khởi công chậm nhất trong năm 2021 (vì đã quá chậm tiến độ). Riêng tại một xã Vĩnh Tân này năm 2020 đã có 30 tỷ kWh điện bẩn (nhiệt điện than) được đẩy vào lưới điện quốc gia, gấp gần 3 lần sản lượng ĐMT trên toàn quốc (10,6 tỉ KWh) lại chẳng hề có một thông tin từ báo chí, hay quan chức EVN phàn nàn về nhiệt điện than quá tải, làm rã lưới điện miền Trung.

 

Tương tự là Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), gồm 4 nhà máy (Duyên Hải 1, 2, 3 và 4) tổng công suất trên 4.200 MW, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2020, cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 30 tỷ kWh điện hàng năm. Chẳng hề có một thông tin từ báo chí, hay quan chức EVN phàn nàn về 4 nhà máy nhiệt điện ở Trà Vinh quá tải, làm rã lưới điện nội vùng.

 

Tóm lại họ yêu quí nhiệt điện than và sợ ĐMT.

 

Các nhà quản lý điện trên Thế giới sợ thiếu ĐMT chứ không sợ thừa như các quan chức ngành điện lực Việt Nam. Người dân thông thường sợ thiếu điện chứ chẳng ai sợ thừa điện cả.

 

Suốt 3 thập kỷ, từ 1975 đến 1994 thủ đô Hà Nội triền miên thiếu điện. Ban đêm điện trong nhà cũng như ngoài đường đỏ quạch, không có ánh sáng, chỉ thấy sợi bóng đèn đỏ mà thôi. Nhà nào cũng trang bị suyt von tơ, biến áp để hút điện về nhà mình, càng nguy hại cho lưới điện nói chung.

 

Lý thuyết cơ bản về điều độ điện, cân bằng CUNG – CẦU (SUPPLY – DEMAND) về điện, chỉ sợ thiếu nguồn cung điện. 30 năm thủ đô Hà Nội đã chật vật, nan giải để tăng nguồn cung điện. Khi nguồn cung điện rất thấp so với cầu về điện (phụ tải) có thể sẽ gây chập cháy đường dây. Chưa có lý thuyết điện nào nói nguồn cung về điện dư thừa, lớn hơn nhu cầu phụ tải điện sẽ làm rã lưới điện.

 

Ví dụ: Hệ thống điện gồm một máy phát điện chạy dầu công suất 5kW và công suất phụ tải (tiêu thụ) ổn định ở 2kW không thể làm quá tải gây chập cháy dây điện được. Rất vô lý về mặt khoa học. Điện nguồn phát dư thừa là vấn đề hiệu quả của hệ thống điện. Do vậy, EVN đã có một số lần cắt ĐTM, tổng cộng 365 triệu kWh, không mua vào những lúc dư thừa (thường là buổi trưa nhiều nắng). Đây không phải là cắt ĐMT vì quá tải làm rã lưới điện.  Về lý thuyết điện, duy nhất chỉ khi nguồn cung điện rất thấp so với nhu cầu điện (phụ tải) mới có thể làm rã lưới điện, chập cháy đường dây.

 

Vấn đề đại nan giải về nguồn cung điện quá nhỏ bé của miền Bắc những năm bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, đã được Liên Xô hóa giải bằng đại hồ thủy điện Hòa Bình, chứa gần 9 tỷ m3 nước có mục tiêu số 1 là chống lũ cho Hà Nội. Mục tiêu số 2 là hàng năm sản xuất khoảng 8,6 tỷ kWh điện/năm. Lãnh đạo đoàn Liên Xô khi đó lo miền Bắc sẽ thừa điện, không biết các đồng chí Việt Nam sẽ “đổ” đi đâu. Họ không sợ thừa điện sẽ làm tan rã lưới điện của Hà Nội. Đó là lý do để ngày 5/4/1992 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công xây dựng hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam.

 

Kết luận: Nói thừa nguồn cung sẽ làm tan rã lưới điện là KHÔNG KHOA HỌC.

 

NHƯỢC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐTM Ở VIỆT NAM LÀ GÌ?

 

Ít người biết đến. Các nhà quản lý và doanh nghiệp kinh doanh ĐMT không quan tâm. Doanh nghiệp chỉ quan tâm đến doanh thu và lãi bỏ túi. Tôi gọi ĐIỆN MẶT TRỜI Ở VIỆT NAM LÀ ĐIỆN QUÈ 1 CHÂN vì ĐMT ở Việt Nam không cần có ắc qui/pin, thiết bị lưu trữ điện năng. Ngược lại ĐMT ở Thế giới là có ắc qui/pin, có thiết bị lưu trữ điện. Như vậy ĐMT Thế giới là bình thường, đầy đủ 2 chân, không khuyết tật như ở Việt Nam. Do vậy hiệu quả năng lượng của toàn hệ thống điện Việt Nam là yếu kém.

 

Lưu trữ năng lượng là vô cùng quan trọng, vì:

  1. Khi điện gió và điện mặt trời hoạt động những lúc dư thừa thì tích trữ vào ắc qui/pin (Lithium Ion), hay sử dụng để điện phân nước sản xuất khí hydro (H2) rồi hóa lỏng (hydro lỏng, đóng bình như ga lỏng). Khi gió tắt và mây mù hay lúc ông mặt trời đi ngủ, thiếu điện lưới thì sử dụng điện đã lưu trữ từ ắc qui/pin. Một xe ô tô chứa đầy pin/ắc qui là một “nhà máy” điện di động rất hữu ích để ứng phó sự cố mất điện lưới. Ví dụ, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đang diễn ra Đại hội Đảng khóa XIII. Tổng Bí thư đang đọc  báo cáo chính trị, bỗng sự cố cáp điện dẫn đến đây bị đứt. Chiếc xe ô tô chứa đầy pin/ắc qui đứng ở hậu trường dự phòng sẽ tự động, chưa đầy một phần mười của giây nhả điện, đủ công suất phục vụ cho Hội nghị cả một ngày.  PIN/ẮC QUI CHÍNH LÀ MỘT “NHÀ MÁY” CUNG CẤP ĐIỆN TỨC THÌ,  TẮT – BẬT tức thì (ON -  OFF tức thì). Trong khi một nhà máy nhiệt điện than chuyển trạng thái từ OFF sang ON cần khoảng vài chục phút với sự phối hợp của một số nhân viên vận hành.
  2. Nhờ có điện gió và điện mặt trời tích trữ trong ắc qui/pin nên Thế giới đang chuyển mạnh mẽ sang sử dụng ô tô điện. Nhiều thành phố Châu Âu trong nội đô sẽ cấm ô tô chạy xăng, dầu; điển hình là nước Đức.
  3. Nhờ có điện gió và điện mặt trời tích trữ dưới dạng hydro lỏng (giống bình ga lỏng) nên trong tương lai máy bay, vận tải biển, xe ô tô siêu trường siêu trọng sẽ sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng hydro lỏng, loại nhiên liệu siêu sạch. Hydro cháy với khí ô xy tạo thành hơi nước, siêu sạch! siêu sạch!.
  4. Hàng triệu các ắc qui/pin là những “máy phát” điện mini phân tán ở khắp nơi, nối lưới quốc gia, có vai trò vô cùng hữu ích trong việc điều tiết điện từ nơi thừa đến nơi thiếu, làm cho lưới điện quốc gia sẽ vô cùng ổn định. Chính vì điện mặt trời ở Việt Nam là điện không có pin/ắc qui, nên EVN mới rất khó điều độ điện (cân bằng cung – cầu điện).

 

DO ĐMT Ở VIỆT NAM LÀ ĐIỆN QUÈ 1 CHÂN NÊN EVN NHƯ GÀ MẮC TÓC TRONG VIỆC ĐIỀU ĐỘ HỆ THỐNG ĐIỆN CÓ TÍCH HỢP CAO ĐMT, ĐIỆN GIÓ VÀO HỆ THỐNG. EVN NHƯ CON KIẾN LEO CÀNH ĐA, LEO PHẢI CÀNH CỘC LEO VÀO, LEO RA. TỔNG HIỆU QUẢ HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA CỦA VIỆT NAM LÀ THẤP.

 

Xin mời nhà văn đọc thêm bài “VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ KIÊU NGẠO VÀ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP

 

Trân trọng cám ơn

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 28/01/2021